Phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi mùa nắng nóng.
07/07/2023
Phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi mùa nắng nóng sao cho hiệu quả?
Sở NN-PTNT Quảng Ninh phối hợp với các địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi đúng cách, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.
Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều diễn biến bất lợi, một số loại bệnh dịch xuất hiện lúc giao mùa ngay trên các vùng nuôi trồng trọng điểm của tỉnh.
Trong đó, dịch bệnh đốm trắng làm chết khoảng 850.000 con tôm nuôi tại 6.600m2 ao đầm tại TX Quảng Yên, bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng xuất hiện tại hơn 54ha ao đầm nuôi tôm làm thiệt hại cho khoảng 90 hộ nuôi ở TP Móng Cái, huyện Tiên Yên, TP Cẩm Phả…
Ông Vũ Đình Quyến (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) chia sẻ: “Tôm tại đầm nuôi của tôi được hơn 2 tháng, do thấy tôm ăn tốt, nhân viên mới do chưa có kinh nghiệm đã tăng lượng thức ăn cho tôm. Điều đó khiến tôm lớn nhanh nhưng kèm theo đó là đề kháng yếu đi. Vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tôm bị một số bệnh như gan, tụy, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi”.
Cũng theo ông Quyến, trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, cần giảm lượng thức ăn, giảm số bữa ăn cho tôm. Cùng với đó, việc hạ nhiệt độ nước rất quan trọng nên trong khoảng thời gian nắng cao điểm trong ngày (từ 9-10h sáng đến 4h chiều) cần có các biện pháp như tăng số lượng quạt chạy, kết hợp sử dụng vi sinh để tăng đề kháng cho tôm. Từ đó, giảm thiểu các nguy cơ cũng như tác nhân gây bệnh cho tôm nuôi.
Tại TP Móng Cái, từ đầu tháng 4/2023, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng tôm nuôi đã bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, phát sinh trên địa bàn 5 xã, phường gồm Hải Hòa, Ninh Dương, Hải Yên, Bình Ngọc, Hải Xuân.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND TP Móng Cái đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường khống chế dịch bệnh, hướng dẫn các hộ nuôi tôm xử lý những ao nuôi nhiễm bệnh bằng hóa chất chlorine để phòng chống dịch bệnh thủy sản, không thực hiện xả nước ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường nuôi khu vực lân cận.
Trước tình hình dịch bệnh gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng phối hợp với các địa phương thực hiện khoanh vùng và khẩn trương dập dịch, không để bùng phát diện rộng.
Vừa qua, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi trên địa bàn TP Móng Cái. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu tôm nuôi, mẫu nước và kiểm tra thực tế tại một số hộ nuôi tôm bị bệnh và hướng dẫn cách phòng chống và xử lý đối với những ao nuôi tôm bị chết, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh lây lan, gây ảnh hưởng tới sản xuất và mùa vụ xuống giống.
Ông Đông cho biết, các hộ dân nuôi tôm cần thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến tôm nuôi khi có hiện tượng tôm yếu, chết, phải thông báo cho các hộ xung quanh biết để phòng, chống và thông báo cho UBND xã, phường biết để kịp thời xử lý.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan ra diện rộng. Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ dân, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi Thú y sẽ tiếp tục hỗ trợ hóa chất Chlorine để tập trung xử lý kịp thời những ao đầm nuôi tôm vụ xuân hè năm 2023 bị bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành khuyến cáo người nuôi thả nuôi theo đúng quy hoạch vùng nuôi, khung thời vụ.
Cùng với đó, Sở tổ chức kiểm tra các hoạt động sản xuất và kinh doanh con giống thuỷ sản trên địa bàn và giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên các vùng nuôi, giám sát việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi phát sinh ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Nguồn: Tép Bạc
Tin liên quan
Độ pH và độ mặn không ổn định
15/11/2024
Ép khuẩn và diệt khuẩn cho ao nuôi tôm
20/04/2024