Không nên chủ quan với các bệnh đường ruột trên tôm
19/02/2024
Với sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm, việc thấu hiểu về đường ruột trên tôm mở ra cánh cửa cho những tiến bộ trong y học thủy sản và ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc cải thiện sản xuất và chất lượng tôm nuôi.
Cấu tạo và chức năng đường ruột trên tôm
Đường ruột tôm nằm dưới gan tụy và kéo dài xuống đuôi tôm, với chức năng quan trọng là tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Đường ruột tôm được chia thành 3 đoạn: Ruột trước, ruột giữa và ruột sau.
Ruột trước: Đây là phần đầu tiên của đường ruột bắt đầu từ miệng đến dạ dày, khi tôm ăn vào chứa tại dạ dày và quá trình tiêu hóa thức ăn bắt đầu với sự tác động của enzyme tiêu hóa.
Ruột giữa: Phần dài và uốn lượn của đường ruột, bề mặt ruột giữa lớn giữ vai trò chính trong việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể.
Ruột sau: Phần cuối cùng của đường ruột, có chức năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng còn lại từ thức ăn. Đây cũng là nơi tạo thành và lưu trữ phân trước khi được loại bỏ ra khỏi cơ thể tôm.
Đường ruột tôm có chức năng chính trong chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn. Khi thức ăn được tôm gắp đưa vào miệng thời gian chuyển hóa từ khi ăn đến thải ra ngoài từ 45 – 60 phút.
Đường ruột tôm khỏe và to sẽ giúp tôm lớn nhanh, sức đề kháng cao, khả năng thích nghi và chống chịu tốt đối với những yếu tố bất lợi từ môi trường. Từ đó, giảm nguy cơ tôm bị các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, tăng năng suất và chất lượng vụ nuôi.
Bệnh đường ruột trên tôm
Đường ruột tôm là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng nhất trên tôm. Tuy nhiên chúng có cấu tạo đơn giản nên dễ mẫn cảm với các mầm bệnh. Những bệnh nhiễm khuẩn đường ruột tôm gây ra một số vấn đề khá phổ biến hiện nay như: Đứt khúc, viêm đường ruột, phân trắng, trống ruột… tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng vụ nuôi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột trên tôm nhưng nguyên nhân chính là do vi khuẩn Vibrio. Vi khuẩn này xâm nhập vào đường ruột tôm, chúng bám vào thành ruột, tiết ra độc tố phá hủy thành ruột và làm cho thành ruột bị viêm, tôm không ăn được khiến đường ruột tôm bị trống.
Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như:
– Nhiễm ký sinh trùng Gregarines (trùng 2 tế bào): Khi tôm ăn phải ký chủ của loài Gregarines này như nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, giun nhiều tơ, ốc…sẽ bị ấu trùng xâm nhập vào ruột, phát triển thành dạng trưởng thành, sống ký sinh và bám vào thành ruột. Khi mật độ Gregarines dày đặc sẽ làm tắc nghẽn ruột, hình thành những tổn thương ở đường ruột tạo điều kiện cho tác nhân cơ hội tấn công gây bệnh cho tôm nuôi.
– Thức ăn: Tôm ăn thức ăn bị ẩm mốc, vón cục hay thức ăn bị vướng trên cầu nhá, trên bạt… lâu ngày bị nấm mốc tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh đường ruột ở tôm.
– Tôm ăn phải tảo độc trong ao như tảo lam: loài tảo độc này sẽ tiết độc tố làm tê liệt lớp biểu bì mô ruột, làm ruột không hấp thu được thức ăn, tôm yếu và bị bệnh.
– Nấm đồng tiền phát triển: đây là ổ hộp của các nấm, vi khuẩn và tảo được xem là ổ chứa các mầm bệnh gây bệnh đường ruột nếu tôm ăn phải chúng. Nấm xuất hiện trong ao khi môi trường ao nuôi quá dơ, hợp chất hữu cơ trong ao nhiều không được lấy ra ngoài môi trường.
– Thời tiết thất thường như mưa nắng kéo dài hay chất lượng nước kém (đục, nhiều bọt dơ, tảo nở hoa,…) cũng làm cho tôm yếu, stress, bỏ ăn làm cho ruột trống.
– Sử dụng diệt khuẩn không đúng cách: Việc sử dụng quá liều, không tuân thủ hướng dẫn khi sử thuốc diệt khuẩn (BKC, Clorin, Sunfat đồng, decis,…) có thể gây tổn thương cho hệ vi khuẩn có lợi trong ruột của tôm, trong nước, gây mất cân bằng vi khuẩn và ảnh hưởng đến đường ruột tôm.
Dấu hiệu nhận biết
Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp mé, tôm bị chậm lớn, sức khỏe yếu. Đường ruột loãng, không hấp thụ được thức ăn khiến tôm bị hoại tử đường ruột.
Đường ruột của tôm bị đứt khúc thành từng đoạn hoặc thức ăn không có ở ruột tôm, đường phân bị cong, có màu sắc nhợt nhạt. Nếu bị nặng hơn thì tôm bị mũ cuối đuôi, tôm xuất hiện đốm trắng, đường ruột có thể bị xuất huyết.
Phân tôm: Phân trong, bị nát, đứt thành từng đoạn ngắn hoặc không đều nhau, màu sắc phân nhợt nhạt, phân 2 màu, phân sống. Khi dưới gió ở các gốc trong ao buổi sáng gần mé có phân nổi lên mặt dạng sợi màu trắng, nước dơ.
Biện pháp phòng ngừa
Lựa chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, phải có đủ các chất dinh dưỡng, đúng kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn nuôi, nên điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa thức ăn. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.
Mật độ nuôi thả phù hợp với diện tích ao nuôi, không nên thả quá dày. Trước khi nuôi thả phải cải tạo, chuẩn bị ao thật kỹ, đúng quy trình, có đầy đủ các thiết bị, máy móc để phục vụ cho quá trình nuôi.
Quản lí tốt môi trường nuôi, ngăn ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại bằng cách kết hợp sử dụng các loại chế phẩm vi sinh định kỳ để phân hủy các loại hữu cơ và thức ăn dư thừa trong ao. Thường xuyên kiểm tra đường ruột tôm nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh để kịp thời đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp.
Trong quá trình nuôi nên bổ sung thường xuyên men tiêu hóa có lợi cho đường ruột của tôm. Tăng cường men vi sinh đường ruột khi tôm đã hồi phục (vì khi tôm đang ăn thuốc thì không dùng men đường ruột) và tăng cường sức khỏe tôm bằng C, vitamin tổng hợp.
Nguồn: Tép Bạc
Tin liên quan
Ép khuẩn và diệt khuẩn cho ao nuôi tôm
20/04/2024
Cách gây màu nước cho ao đất chuẩn hiệu quả
25/03/2024
Tại sao tôm lại kéo đàn, cách xử lí hiệu quả
22/03/2024