Người nuôi tôm và những thách thức khó khăn

20/10/2023

Người nuôi tôm và những thách thức khó khăn

Ngành công nghiệp tôm đang phải đối mặt với vấn đề đáng lo ngại về giá cả. Từ đầu năm 2021, giá thức ăn cho tôm đã tăng 25%. Tuần trước, sau khi Thỏa thuận Ngũ cốc ở Biển Đen bất thành, giá lúa mì đã tăng thêm 8%, kéo theo đó là giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Giá tôm sụt giảm khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Giá tôm sụt giảm khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Giá tôm rơi xuống đáy – Nông dân thua lỗ nặng

Hiện nay trên thế giới, chúng ta đang sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn tôm. Để đạt được tỷ lệ tiêu hóa thức ăn trung bình là 1.6, chúng ta cần khoảng 9 triệu tấn thức ăn để nuôi được 5,5 triệu tấn tôm này. Giá tôm trên thị trường giảm đáng kể nhưng chi phí thức ăn lại tăng khiến nông dân phải rơi vào tình cảnh nuôi tôm không có lãi hoặc thậm chí là lỗ.

Giá tôm tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long liên tục giảm mạnh hoặc đi ngang với mọi loại kích cỡ. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg chỉ còn 113.000 – 115.000 đồng/kg, loại 50 con/kg chỉ còn 103.000 – 105.000 đồng/kg, đặc biệt loại 100 con/1kg chỉ còn 83.000 – 85.000 đồng/kg. Tôm kích cỡ lớn (20 – 30 con/kg) có mức giảm từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg so với mức giá của những quý đầu năm 2023.

Cụ thể tình hình giá tôm tại một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long như sau:

  • Theo một số hộ dân tại Tiền Giang, giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg chỉ còn 120.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, loại 60 con/kg có giá 80.000 đồng/kg.
  • Bên cạnh đó tại tỉnh Bến Tre, tôm loại 30 – 40 con/kg nay chỉ còn khoảng 110.000 đồng/kg. Giá tôm giảm lên đến 70.000 đồng/kg khiến, trong khi đó giá thức ăn và giá điện lại tăng cao.
  • Tại Bạc Liêu, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm hơn 20.000 đồng chỉ còn 80.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg chỉ còn 130.000 đồng/kg.

Ông Lý Thường Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Phú Hưng Thịnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Giá tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg chỉ còn 98.000 đồng/kg, giảm hơn 70.000 đồng. Sau khi thu hoạch 1 tấn tôm, chi phí lãi chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, chưa tính đến các chi phí hao mòn thiết bị và máy móc. Những người nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn.”

Nhiều hộ nuôi tôm tại Việt Nam hiện đang vay ngân hàng để có đủ chi phí đầu tư. Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngân hàng tăng lãi vay, người dân siết chặt chi tiêu khiến cho bà con rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, không đủ khả năng để chi trả cho lãi ngân hàng, chi phí bảo dưỡng máy móc, ao nuôi.

Để thích nghi, nông dân đã chuyển sang mô hình nuôi trồng khác như cá, cua,… Qua đó, các nhà sản xuất thức ăn cho tôm cũng bị ảnh hưởng, nếu lượng tiêu thụ sản phẩm giảm, các nhà sản xuất khó lòng tồn tại được trên thị trường hoặc phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới.

Chi phí thức ăn lại tăng khiến nông dân phải rơi vào tình cảnh nuôi tôm không có lãi hoặc thậm chí là lỗ.
Chi phí thức ăn lại tăng khiến nông dân phải rơi vào tình cảnh nuôi tôm không có lãi hoặc thậm chí là lỗ.

Các hộ nông dân e ngại thả giống mùa vụ nuôi tôm mới

Chưa hết khó khăn, năm nay mùa vụ tôm còn tiếp tục gặp trở ngại do biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường. Ao tôm thường xuyên xuất hiện bệnh EPH, phân trắng khiến cho tôm khó lớn, đẩy giá thành nuôi tăng cao.

Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng bằng ao đất thì cỡ tôm khoảng 100 – 50 con/kg, tuy nhiên mức giá của loại tôm này đã rớt thê thảm, cộng thêm dịch bệnh nên khó có lời. Trong khi đó, theo một số hộ nuôi tôm, họ phải nuôi và thu hoạch tôm cỡ 20 – 25 con/kg thì may ra mới có đủ tiền trang trải chi phí khác.

Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh, giá thành giảm, môi trường khí hậu phức tạp khiến hộ nuôi tôm chùn tay thả giống cho dù độ mặn đã đạt yêu cầu và nhiều doanh nghiệp cung ứng giống đều tăng khuyến mãi hay giảm giá.

Giải pháp nào cho ngành nuôi tôm thời điểm hiện nay?

Đây chính là câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay. Giải pháp duy nhất chính là hướng đến mục tiêu nuôi tôm bền vững.

Thay vì nuôi tôm với mật độ cao, chúng ta hãy cân nhắc lựa chọn mô hình, mật độ nuôi sao cho phù hợp. Bảo đảm tỷ lệ nuôi thành công cao, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, thu được tôm cỡ lớn và gia tăng lợi nhuận.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã nhấn mạnh một điểm quan trọng: “Chúng ta phải ngừng tham lam: ta nuôi tôm mật độ cao để thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng ta nên nhớ rằng có những yếu tố theo quy luật tự nhiên mà ta không thể kiểm soát. Thậm chí, Minh Phú đã bỏ ra nhiều tiền và công sức cho việc này, nhưng kết quả vẫn không như ý.

Hiện tại, tôi nghĩ rằng chúng ta nên giảm mật độ nuôi. Bằng cách giảm mật độ, ta có thể giảm nguy cơ và áp lực lên môi trường, từ đó giảm giá thành. Khi giá thành nuôi tôm tại Việt Nam bằng với Ecuador, người nuôi có thể đạt lợi nhuận 30%, và các doanh nghiệp chế biến cũng có thể có lợi nhuận 20%.”

Mật độ nuôi phù hợp nên dừng ở mức 120 – 150 con/m2. Mật độ này giúp người nuôi quản lý môi trường dễ dàng và thu được size tôm lớn hơn. Chúng ta hãy học hỏi Ecuador và Ấn Độ, so với các đối thủ cạnh tranh, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu size 50 – 60 con ở Ecuador hiện chỉ khoảng 2.3 – 2.4 USD/kg, trong khi Ấn Độ là 3.4 – 3.8 USD/kg, trong khi ở Việt Nam thì cao hơn, lên đến 4.8 – 5 USD/kg. Trong khi đó, tỷ lệ nuôi tôm thành công trung bình tại Việt Nam hiện chỉ đạt dưới 40%, trong khi ở Ecuador là trên 90% và Ấn Độ là hơn 60%.

Ecuador đã chọn cách nuôi tôm kháng bệnh và duy trì mật độ thấp (30-50 con/m2), điều này đã giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm. Mặt khác, việc nuôi thưa không chỉ đảm bảo tôm có chất lượng cao mà còn giảm lượng thức ăn cần sử dụng, hầu như không sử dụng kháng sinh, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất.

Tình trạng dư cung thiếu cầu cũng khiến nhiều hộ nuôi tiến thoái lưỡng nan.
Tình trạng dư cung thiếu cầu cũng khiến nhiều hộ nuôi tiến thoái lưỡng nan.

Bên cạnh đó, thu tỉa nhiều lần để giảm mật độ một cách hợp lý. Mở rộng sản xuất thay vì nuôi manh mún sẽ giúp người nuôi tiếp cận được mức giá phân phối trực tiếp, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào. Các hộ nuôi manh mún nếu không đủ chi phí có thể liên kết thành hợp tác xã cũng là một số phương án hay để giải quyết vấn đề về giá thành.

Một giải pháp quan trọng nữa là chúng ta hãy thiết kế quy trình nuôi cho phù hợp, xây dựng hệ thống nuôi tuần hoàn đơn giản, ít tài nguyên, có thể kiểm soát mức độ căng thẳng của tôm, rủi ro dịch bệnh,… tốt nhất có thể. Điều này cũng phù hợp với việc nuôi mật độ tôm thấp do ít tôm thì chỉ cần hệ thống đơn giản là vừa đủ.

Để phát triển ngành nuôi tôm một cách bền vững, ông Tạ Hoàng Nhiệm – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Hợp tác xã đang thực hiện mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước tại hai khu vực. Mô hình này sử dụng một ao nuôi và một ao để trống. Mỗi ngày, nước từ ao nuôi sẽ được xả vào ao trống. Nước tại ao trống sẽ được xử lý khí độc và tảo, sau đó mới xả nước trở lại ao nuôi. Mô hình này đã đạt được sự thành công ban đầu khi giúp giảm áp lực xả thải vào môi trường, giúp tôm có sức kháng bệnh tốt.

Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững trong dài hạn, chính phủ cần phải thiết lập một chính sách bảo hiểm cho người nuôi tôm, đặc biệt là các hợp tác xã. Chính sách này nên áp dụng cho các hợp tác xã tham gia bảo hiểm với điều kiện họ sử dụng công nghệ cao, được số hóa để đảm bảo tính công bằng và minh bạch.”

Nguồn: Tép Bạc

—————————————–
☎️Liên hệ: Ms Hương 0936 115 698 (call, zalo)
⛴ Giao hàng toàn quốc
📍Địa chỉ nhà máy: Thanh Sơn – Kim Bảng – Hà Nam.
🌏Website: voicongnghiep.com.vn